Lịch sử Thổ Phồn

Bốn Như (đơn vị hành chính) của Thổ Phồn vào thế kỷ thứ 7.Thổ Phồn vào năm 700.

Trong thời kỳ trị vì của mình, Songtsen Gampo từng gửi 16 người trẻ tài năng tới Ấn Độ học tập, trong đó có Thonmi Sambhota, người đã sáng tạo ra chữ Tạng dựa trên chữ Phạn. Sau khi thống nhất cao nguyên Thanh-Tạng, Songtsen Gampo lại phái Gar Tongtsen Yulsung tới Vương quốc Licchavi tại Nepal dùng vũ lực để ép vua Amsuvarman phải gả công chúa Bhrikuti cho mình. Công chúa Bhrikuti chính là người đã mang bức tượng Phật đầu tiên đến Thổ Phồn và cho xây dựng Jokhang (Chùa Đại Chiêu) tại Lhasa [8].

Năm 634, Songtsen Gampo sai sứ tới Trung Hoa, đây là lần đầu tiên Thổ Phồn chính thức tiếp xúc với nhà Đường. Khi biết được cả GöktürkThổ Dục Hồn đều có hôn nhân với nhà Đường, Songtsen Gampo cũng hỏi cưới một công chúa Trung Hoa nhưng bị từ chối nên rất tức giận. Năm 637, lấy cớ Thổ Dục Hồn cậy thế ở giữa Thổ Phồn và nhà Đường gây khó dễ, Songtsen Gampo mang quân đánh Thổ Dục Hồn, thuận đường tiến sát đến đất Tùng Châu (Tùng Phan, Tứ Xuyên ngày nay) nhà Đường, ý định bức hôn. Đô đốc Tùng Châu là Hàn Uy dẫn quân nghênh chiến nhưng bị đánh bại [9]. Nhà Đường lại phái Hầu Quân Tập, Chấp Thất Tư LựcNgưu Tiến Đạt ra đánh, các sử gia đồng tình rằng người Tạng đã giành thắng lợi cuối cùng trong chiến dịch này, như trong Tân Hồng Sử của Panchen Sonam Dragpa có viết rằng Đường Thái Tông ban đầu không muốn ước hôn, nhưng bị ép buộc phải đồng ý bằng vũ lực [10]. Năm 640, Công chúa Văn Thành kết hôn với Songtsen Gampo, khi đến Thổ Phồn đã mang theo một bức tượng Thích Ca Mâu Ni và cho xây dựng chùa Ramoche (Chùa Tiểu Chiêu) tại Lhasa. Ba người thiếp khác của Songtsen Gampo cũng đều cho xây dựng đền chùa, tương truyền rằng có tới 108 ngôi chùa Phật giáo tại Thổ Phồn khi ấy.

Em gái Songtsen Gampo là Sämakar khi ấy đã được gả cho vua của Tượng Hùng ở phía tây. Tuy nhiên cuộc hôn nhân này không hạnh phúc, nên Sämakar sau đó đã giúp Songtsen Gampo chinh phạt Tượng Hùng, sáp nhập vào lãnh thổ Thổ Phồn, chính thức thống nhất cao nguyên Thanh Tạng vào năm 645.

Trong thời kỳ Songtsen Gampo trị vì, quan hệ giữa Thổ Phồn và nhà Đường tiếp tục hòa hảo. Năm 650, Songtsen Gampo qua đời, cháu trai ông là Mangsong Mangtsen kế vị, do còn nhỏ tuổi nên đại tướng Gar Tongtsen Yulsung đứng ra nhiếp chính. Tongtsen kế thừa phương châm của Songtsen Gampo, hoàn thiện pháp luật, thanh tra hộ tịch, xác định thuế phụ, ổn định nội bộ Thổ Phồn. Một đại thần Thổ Dục Hồn chạy tới Thổ Phồn, đem hết chuyện trong nước nói cho Tongtsen, Tongtsen nhân cơ hội đánh chiếm Thổ Dục Hồn vào năm 663, đổi tên thành Azha. Khả hãn Thổ Dục Hồn là Mộ Dung Nặc Hạt Bát phải bỏ trốn, Thổ Phồn lập nên một hãn mới bù nhìn, Longtsen tự mình tới đóng tại Azha để giám sát nội chính.

Thổ Phồn càng lúc càng lớn mạnh, bắt đầu tranh đoạt bá quyền tại Tây Vực, liên tục đánh phá An Tây đô hộ phủ, kích động Sơ Lặc, Quy Từ, Tây Göktürk chống lại nhà Đường. Lại đánh chiếm Baloristan (Pakistan ngày nay), lập làm tiểu quốc, thiết lập một cứ điểm tại Tây Vực. Năm 667, Gar Tungtsen qua đời, con trai là Gar Trinring Tsendro cùng các anh em nắm giữ triều chính. Năm 670, nhà Đường cử 10 vạn quân hộ tống Nặc Hạt Bát trở về Thanh Hải, Trining nghe tin liền đem 20 vạn quân nghênh chiến, thắng lớn tại phía nam hồ Thanh Hải. Kể từ đó Thổ Phồn khống chế vững chắc khu vực hồ Thanh Hải, tiến thêm một bước nữa đến việc tranh đoạt Lũng Hữu và hành lang Hà Tây, nhắm vào con đường tơ lụa để đẩy mạnh kinh tế.

Mangsong Mangsen qua đời năm 676, con trai là Tridu Songtsen kế vị Tán Phổ, Gar Trinring tiếp tục quản chuyện triều chính. Giai đoạn này Thổ Phồn yếu thế ở Tây Vực nên chuyển hướng sang phía tây nam, chiếm được một số trọng điểm quân sự dọc theo Mân Giang. Họ Gar chuyên quyền đã lâu, sinh mâu thuẫn với giới quý tộc và lấn át Tán Phổ nên khi trưởng thành, Tridu Songtsen đã tìm cách loại trừ họ. Năm 695, ông lấy cớ bại trận tại Tây Vực để giết một em trai của Gar Trinring. Tuy nhiên qua năm sau đó một em trai khác là Gar Tsenba đại phá quân Đường của Vương Hiếu Kiệt tại phụ cận Thao châu, củng cố địa vị của họ Gar. Tridu Songtsen ngày càng nghi kị, tới năm 698 thì bắt giết vây cánh họ Gar hơn hai ngàn người. Trinring tại Azha không chống được, hội binh cùng tự sát, em trai Tsenba và con trai Gar Mangpoje đầu hàng nhà Đường, được bố trí ở Hồng Nguyên cốc tại Lương Châu để phòng bị Thổ Phồn. Sau khi họ Gar bị tiêu diệt, Thổ Phồn thiếu tướng tài, chiến sự ở nhiều nơi gặp bất lợi. Tridu Songtsen phái Khu Mangpoje Lhasung tấn công Tsenba nhưng đại bại. Năm 704, Tridu Tsongtsen thân chinh đi đánh Nam Chiếu tử trận, con thơ là Tridé Tsuktsen mới vài tháng tuổi phải kế vị Tán Phổ, mẹ của Tridu Songtsen là Thrimalö nhiếp chính.

Sau đó, quan hệ giữa Thổ Phồn và nhà Đường khi căng thẳng, khi hòa hữu. Năm 714, Thổ Phồn và Đường nghị hòa, lấy Hà Nguyên làm biên giới. Xung đột lại nhanh chóng nổ ra nên vào năm 730, một hội nghị tiếp theo lại định ra biên giới tại Xích Lĩnh. Trong Đôn Hoàng văn tuyển và Đạt Trát Nhạc cung thạch bi có ghi: "Đường Túc Tông đồng ý cống nạp cho Thổ Phồn năm vạn xấp lụa, vì đó là lụa cũ từ thời nhà Tùy".

Hưng thịnh

Thổ Phồn vào năm 820.Bia tưởng niệm Đường-Phồn hội minh.Tượng Tán Phổ Songtsen Gampo.

Sau khi kế vị, Đường Đại Tông không cống lụa nữa [11]. Tán Phổ Thổ Phồn khi ấy là Trisong Detsen rất tức giận. Năm 762, nhân khi nhà Đường vẫn chưa dẹp yên loạn An Sử, ông đem quân tấn công kinh đô Trường An và thu về thêm những hiệp ước có lợi. Thời Trisong Detsen trị vì, Thổ Phồn cực thịnh, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, cương thổ mở rộng cực đại, phía tây làm chủ bồn địa Tarim, phía đông mở rộng ảnh hưởng đến Nam Chiếu [8].

Tuy đã du nhập vào Thổ Phồn từ thời Songtsen Gampo, nhưng Phật giáo chưa bao giờ trở thành tôn giáo chính. Dưới thời Trisong Detsen, người Tạng đã kết hợp Phật giáo Mật Tông cùng Bön giáo bản địa để tạo nên Phật giáo Tây Tạng. Phật giáo Tây Tạng được Trisong Detsen công nhận và dần trở thành quốc giáo của Thổ Phồn. Giáo lý giảng về vũ trụ đại kiếp, vạn sự vô thường, nhân quả báo ứng, sinh tử luân hồi và tu hành giải thoát. Đây được gọi là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Tây Tạng [12].

Trải qua 2 thế kỷ chiến tranh, cả Thổ Phồn và nhà Đường đều mệt mỏi. Năm 821, hai lần hội minh lần lượt diễn ra tại kinh đô Trường An nhà Đường và thủ phủ Lhasa của Thổ Phồn, lập nên "Đường-Phồn sinh cữu hòa minh". Có 3 bia tưởng niệm đã được dựng lên để ghi lại những hiệp ước của hội minh, một trong số đó được dựng bên ngoài chùa Đại Chiêu [8].

Suy tàn

Thổ Phồn phân liệt hậu đế quốcBích họa kỷ niêm chiến thắng của Trương Nghĩa Triều trước Thổ Phồn vào năm 848 tại hang Mạc Cao.

Tại Thổ Phồn Phật giáo và Bön giáo vẫn luôn là hai thế lực đối địch. Vào những năm cuối thời Thổ Phồn thống nhất, Bön giáo lại chiếm ưu thế. Sau khi Tán Phổ Ralpacan bị một đại thần phản đối Phật giáo ám sát, người anh trai là Langdarma, một đại diện của phe chống Phật, lên ngôi Tán Phổ. Năm 841, Langdarma hạ lệnh cấm Phật giáo, sát hại các đại sư, ép tăng lữ hoàn tục, đóng cửa tu viện, phá hủy tượng Phật, kinh Phật, sử gọi là Langdarma diệt Phật.

Năm 841 (hoặc 842), Langdarma bị tăng lữ Lhalung Pelgyi Dorje ám sát, hai người con là Yumtän và Ösung lao vào một cuộc nội chiến tranh giành quyền lực, bắt đầu thời kỳ phân liệt tại đất Tạng [8]. Trên khía cạnh phát triển tôn giáo, đây cũng là sự kết thúc của thời kỳ hoàng kim Phật giáo Tây Tạng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thổ Phồn http://folkdoc.com/classic/p04/da001.htm http://jwsr.pitt.edu/ojs/index.php/jwsr/article/vi... //dx.doi.org/10.1111%2F0020-8833.00053 http://www.escholarship.org/uc/item/3cn68807 //www.jstor.org/stable/2600793 //www.worldcat.org/issn/1076-156X http://ethno.ihp.sinica.edu.tw/page/D-ZA/D_main-2-... https://books.google.com/books?id=0AVaq8EMXZcC&pg=... https://web.archive.org/web/20170803045500/http://... https://web.archive.org/web/20170804020238/http://...